Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng sinh lý phổ biến. Tuy nhiên những trường hợp trào ngược nặng có thể có thể gây biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là gì?
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh là hiện tượng thức ăn, dịch dạ dày, không khí di chuyển từ dạ dày lên thực quản. Tình trạng này xảy ra ở hơn 50% trẻ sơ sinh, chủ yếu là trào ngược sinh lý, ít ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn và có thể tự khỏi khi trẻ lớn hơn. Tuy nhiên, có khoảng 1% trẻ bị trào ngược dạ dày gặp biến chứng chậm tăng cân, nghẹt thở do hít phải chất nôn, viêm thực quản do acid trong dịch dạ dày.
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh được chia làm hai nhóm chính: sinh lý và bệnh lý. Trong đó, trào ngược dạ dày sinh lý diễn ra khá phổ biến và thường sẽ giảm dần sau khi trẻ được 7 tháng tuổi. Có 85% trẻ nhỏ bị trào ngược dạ dày được cải thiện khi trẻ được 12 tháng tuổi và lên đến 95% khi trẻ được 18 tháng tuổi. Mặt khác, trào ngược dạ dày do bệnh lý (GERD) ít phổ biến hơn.
Phân biệt trào ngược sinh lý và bệnh lý
Nếu trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, không thường xuyên, đa số là xảy ra sau khi bú và không có bất thường đi kèm, trẻ vẫn ăn ngủ, vui chơi bình thường thì đây là hiện tượng trào ngược sinh lý. Mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ gặp phải hiện tượng này bởi nó sẽ giảm dần và biến mất theo thời gian, thường sau sau khi trẻ được 7 tháng tuổi trở lên.
Điều quan trọng là khi phát hiện trẻ bị trào ngược dạ dày, mẹ nên chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để phát hiện và can thiệp kịp thời nếu có bất thường. Nếu trào ngược dạ dày kéo dài, diễn ra thường xuyên và đi kèm với các triệu chứng ở nhiều mức độ khác nhau, trẻ có thể đang mắc trào ngược dạ dày bệnh lý. Bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ, do vậy, khi có bất thường hoặc nghi ngờ trẻ trào ngược dạ dày bệnh lý, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân bệnh trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra do hệ tiêu hóa của trẻ phát triển chưa hoàn thiện. Hơn nữa, nguồn thức ăn chính của trẻ là sữa, dạng lỏng, nhiều nước và trẻ dành phần lớn thời gian trong tư thế nằm nên rất dễ bị trào ngược.
Các chuyên gia cho biết, bình thường thức ăn sẽ được giữ bên trong dạ dày, tránh trào ngược ra ngoài bởi cơ thắt thực quản dưới (LES – vòng cơ ở giữa dạ dày và thực quản). Tuy nhiên, chính vì các cơ quan chưa được phát triển hoàn thiện nên cơ thắt thực quản dưới của trẻ sơ sinh không thể ngăn chặn thức ăn trào ngược từ dạ dày ra thực quản một cách hiệu quả dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản. Hiểu đơn giản, trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh xảy ra khi trẻ ăn quá no, lượng sữa nhiều gây áp lực mở cơ vòng thực quản dẫn đến trào ngược.
Lưu ý, ở trẻ sơ sinh sinh non hoặc có thể trạng kém, nhóm cơ này sẽ giãn một cách tự phát nhưng một số khác có thể sẽ giãn ra sau khi tiếp xúc với các chất kích thích như khói thuốc lá, caffeine (có thể truyền cho trẻ thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức có lẫn caffeine).
Ngoài ra, trào ngược dạ dày thực quản còn có thể được gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác như dị ứng thức ăn, nhất là dị ứng đạm sữa bò, liệt dạ dày nhẹ hay mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa (khuyến khuyết chu trình ure, bất dung nạp Fructose, bệnh galactosemia,…) hoặc do một số bất thường về giải phẫu (hẹp môn vị, ruột quay bất thường),…
Triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Hiện tượng trớ sữa là biểu hiện phổ biến nhất của trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể nhầm lẫn biểu hiện này với nôn mửa nhưng thực chất hiện tượng này không xảy ra do sự co bóp của nhu động dạ dày nên không phải là nôn mửa. Trớ sữa ở trẻ thường diễn ra một cách dễ dàng và không có sự gắng sức của trẻ.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh bị trào ngược dạ dày có thể trở nên dễ cáu gắt, biếng ăn, ho, ngủ không sâu giấc, thở khò khè và thậm chí là thở rít. Một số trường hợp hiếm gặp trẻ có hiện tượng ngưng thở ngắt quãng hoặc xuất hiện các cơn uốn cong lưng, quay đầu sang một bên (hội chứng Sandifer). Trào ngược dạ dày kéo dài khiến trẻ chậm tăng cân, thậm chí có thể khiến trẻ sụt cân.
Trào ngược dạ dày ở bé sơ sinh có đáng lo?
Phần lớn các trường hợp là trào ngược sinh lý và sẽ tự cải thiện sau một thời gian, do đó mẹ không nên quá lo lắng. Nhưng nếu trào ngược dạ dày kéo dài, không được điều trị phù hợp sẽ gây biến chứng. Những hậu quả này bao gồm suy dinh dưỡng, trẻ còi cọc, chậm lớn, viêm thực quản, khàn tiếng, viêm mũi họng, viêm tai, viêm xoang, viêm phổi hít,… Trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể bị hít sặc suy hô hấp ngưng tim ngưng thở, barrett thực quản, thậm chí là ung thư.
Trào ngược dạ dày kéo dài có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sơ sinh, do vậy bố mẹ nên đưa trẻ thăm khám sớm khi có các triệu chứng bất thường.
Khi nào nên đưa bé gặp bác sĩ?
Khi chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ nên chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ và cần đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám càng sớm càng tốt:
- Trẻ chậm tăng trưởng, không tăng trưởng, sụt cân.
- Trẻ nôn ói dữ dội, có các cơn co thắt cơ bụng kéo dài.
- Chất nôn có màu bất thường (màu vàng, xanh lá cây, nâu đậm hoặc có lẫn máu).
- Trẻ bỏ bú.
- Trẻ đi ngoài phân có máu.
- Trẻ khó thở, da tím tái, ho lâu dai dẳng.
- Trẻ khó chịu, quấy khóc dữ dội khi cho bú hoặc sau khi bú.
- Trẻ ợ nóng, ợ chua thường xuyên.
- Trẻ bị hôi, chua miệng.
- Trẻ có dấu hiệu mất nước.
Điều trị trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh
Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ phân loại trào ngược, mức độ nghiêm trọng và hướng dẫn điều trị phù hợp. Đối với trào ngược dạ dày do sinh lý, tình trạng này có thể được cải thiện khi tâm lý trẻ ổn định hay thay đổi tư thế cho trẻ khi cho trẻ bú và sau khi bú. Một số biện pháp giúp hạn chế trẻ bị trào ngược dạ dày bố mẹ có thể áp dụng:
- Sau khi cho trẻ bú, mẹ nên giữ nguyên tư thế (bế trẻ ở tư thế đứng) khoảng 30 phút rồi mới cho bé nằm, đồng thời vỗ nhẹ lưng trẻ để kích thích trẻ ợ hơi (vỗ ợ) để hỗ trợ trẻ tiêu hóa hiệu quả hơn.
- Nếu mẹ cho trẻ bú bình, hãy lựa chọn loại núm vú bình sữa có kích thước vừa với khuôn miệng bởi nếu chọn loại lớn quá, dòng sữa chạy nhanh và mạnh, dễ khiến trẻ bị sặc sữa.
- Cho trẻ bú thường xuyên với nhiều cữ bú nhỏ, trải đều trong ngày, không cho trẻ bú quá no trong một lần bú.
- Massage bụng, giúp trẻ cử động chân tay để trẻ tiêu hóa tốt hơn nhưng lưu ý không tập ngay sau khi trẻ mới bú no.
Trào ngược do bệnh lý hoặc trào ngược mức độ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để điều trị hỗ trợ.
Trên đây là những thông tin về trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Mặc dù tình trạng này thường không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng nếu các dấu hiệu không thuyên giảm, bố mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám càng sớm càng tốt.
Bài viết liên quan: