Trẻ sơ sinh thường đại tiện nhiều lần trong ngày. Vì vậy, việc nhận biết phân của trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường sẽ giúp các bậc phụ huynh nắm được tình trạng sức khỏe của trẻ.
1. Phân của trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?
Trong vài ngày đầu sau khi ra đời, phân của trẻ em khá đặc biệt. Phân lúc này được gọi là phân su có màu đen hoặc xanh đen, có tính chất dính. Điều này cho thấy hệ tiêu hóa của trẻ đang hoạt động tốt. Khi hết phân su, phân của trẻ sơ sinh sẽ chuyển sang màu vàng xanh. Khi phân của trẻ sơ sinh có 3 màu phân là đỏ, đen và trắng xám, thì cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
Với trẻ được bú mẹ hoàn toàn, phân của trẻ sẽ có cấu trúc hơi lỏng, màu vàng hoặc hơi xanh, có những hạt trắng lấm tấm lẫn trong phân. Cho tới khi trẻ ăn được thức ăn rắn thì cấu trúc phân của trẻ có thể thay đổi (đặc hơn). Nếu trẻ bú sữa công thức, phân của trẻ thường có màu vàng nâu. Trẻ bú sữa công thức cũng đại tiện ít hơn 1 – 2 lần so với trẻ bú mẹ, phân cũng đặc hơn và nặng mùi hơn.
Dù trẻ bú mẹ hay bú bình, nếu có dấu hiệu phân cứng và khô chứng tỏ trẻ không nhận đủ nước hoặc bị mất nước do sốt, bệnh tật,… Khi cho trẻ ăn dặm, phân cứng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang ăn quá nhiều thức ăn gây táo bón (ngũ cốc hay sữa bò) trước khi hệ tiêu hóa đủ hoàn thiện để xử lý chúng (sữa bò nguyên chất chỉ sử dụng cho trẻ lớn trên 12 tháng tuổi).
2. Tần suất đại tiện của trẻ sơ sinh
Tần suất đại tiện khác nhau ở từng trẻ. Có trẻ đại tiện ngay sau khi được cho ăn. Đây là phản xạ của dạ dày, thúc đẩy hệ tiêu hóa hoạt động bất cứ khi nào dạ dày đầy. Số lần đi đại tiện có thể giảm đi khi trẻ ăn nhiều hơn và lớn hơn trong thời gian sau đó.
Từ 3 – 6 tuần tuổi, một số trẻ bú mẹ chỉ đi đại tiện 1 lần/tuần mà vẫn bình thường. Điều này là do sữa mẹ thải ra rất ít chất thải rắn khỏi hệ tiêu hóa của trẻ. Do đó, tình trạng này không được coi là táo bón nếu phân của trẻ vẫn mềm và trẻ tăng cân đều đặn, khỏe mạnh bình thường.
Với trẻ bú sữa công thức thì trẻ thường có trên 1 lần đại tiện/ngày. Nếu trẻ đại tiện với tần suất thưa hơn hoặc phải rặn khi đi đại tiện thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được tư vấn.
3. Một số lưu ý quan trọng về phân của trẻ em
Đôi khi, phân của trẻ có thể thay đổi về màu sắc và tính chất. Nếu quá trình tiêu hóa bị chậm lại bởi trẻ ăn các thực phẩm cần tiêu hóa lâu thì phân có thể chuyển sang màu xanh, hoặc nếu trẻ được bổ sung sắt thì phân có thể chuyển màu nâu đậm. Nếu có một chút kích thích ở hậu môn, có thể xuất hiện vệt máu bên ngoài phân của trẻ. Tuy nhiên, nếu thấy phân của trẻ 10 tháng tuổi hoặc trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào có máu, nhầy hoặc nhiều nước thì cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay;
Phân của trẻ mềm và hơi lỏng nên cha mẹ cũng khá khó khăn trong việc đánh giá nếu trẻ bị tiêu chảy nhẹ. Các dấu hiệu cảnh báo trẻ bị tiêu chảy là: Gia tăng đột ngột về tần suất đại tiện (nhiều hơn 1 lần đại tiện cho 1 lần ăn), hàm lượng nước trong phân cao bất thường. Tiêu chảy có thể do sự thay đổi trong chế độ ăn uống của trẻ hoặc là dấu hiệu của nhiễm trùng đường ruột. Nếu trẻ bị tiêu chảy kèm sốt thì cha mẹ nên đưa bé đi khám ngay. Nếu trẻ trên 2 tháng tuổi, bị tiêu chảy và sốt kéo dài trên 1 ngày thì cha mẹ nên kiểm tra lượng nước tiểu và nhiệt độ ở trực tràng của bé rồi hỏi ý kiến bác sĩ.
Cha mẹ nên chú ý thường xuyên kiểm tra phân của trẻ, thân nhiệt, biểu hiện ngoài da,… để sớm phát hiện những biểu hiện bất thường của con và đưa bé đi khám kịp thời. Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Bài viết liên quan: